Hoài Nam tiết độ sứ Cao Biền

Chiến dịch chống Hoàng Sào

Sau khi Cao Biền chuyển đến Hoài Nam, Trương Lân tiếp tục giành được thắng lợi trước Hoàng Sào. Lô Huề do từng tiến cử Cao Biền làm đô thống, nay được phục chức Đồng bình chương sự. Lô Huề tiếp tục tiến cử Cao Biền là Chư đạo hành doanh binh mã đô thống, Đường Hy Tông chấp thuận. Trong khi đó, Cao Biền truyền hịch chinh Thiên hạ, mộ thêm 7 vạn quân, uy vọng đại chấn triều đình.[10]

Năm 880, quốc khố hao mòn do các chiến dịch trấn áp nổi dậy, có tấu trình đề xuất buộc các phú hộ và hồ thương phải cho triều đình vay một nửa tài sản của họ. Cao Biền thượng ngôn rằng nay toàn đế chế bị ảnh hưởng bởi nạn đói lan rộng và người dân lũ lượt tham gia nổi dậy, chỉ còn các phú hộ và hồ thương là còn ủng hộ triều đình, đề xuất này có thể khiến họ cũng quay sang làm phản. Đường Hy Tông do đó hủy bỏ kế hoạch.[10]

Vào mùa hè năm 880, Hoàng Sào trong khi Bắc phạt bị sa lầy tại Tín châu[chú 20], còn quân lính bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ khi còn ở Lĩnh Nam. Đương thời, khi Trương Lân chuẩn bị tiến công, Hoàng Sào thấy sẽ không chống nổi nên đã hối lộ cho Trương Lân, và viết thư cho Cao Biền thỉnh hàng. Cao Biền muốn tiếp nhận sự đầu hàng của Hoàng Sào nhằm lập công, đã thượng tấu thỉnh cầu triều đình phong cho Hoàng Sào làm tiết độ sứ. Hơn nữa, mặc dù quân tiếp viện từ các quân Chiêu Nghĩa[chú 21], Cảm Hóa[chú 22], và Nghĩa Vũ[chú 23] đang tiến đến Hoài Nam, do không muốn công lao bị chia sẻ nên Cao Biền đã thượng tấu nói rằng ông không còn cần trợ giúp và xin trả lại quân tiếp viện. Khi nhận thấy các đội quân tiếp viện rời khỏi Hoài Nam, Hoàng Sào đã cắt đứt quan hệ với Cao Biền, Cao Biền tức giận và hạ lệnh cho Trương Lân tiến công, song lúc này Hoàng Sào lại chiếm ưu thế trên chiến trường, Trương Lân tử trận.[10]

Vào mùa thu năm 880, Hoàng Sào vượt Trường Giang tại Thái Thạch[chú 24] và tiến vào lãnh địa thuộc Hoài Nam. Mặc dù được Tất Sư Đạc thúc giục giao chiến, song Cao Biền trở nên lo sợ từ sau khi Trương Lân qua đời và từ chối tiến công quân Hoàng Sào. Thay vào đó, Cao Biền thỉnh cầu triều đình cứu viện khẩn cấp, khiến cho triều đình thất vọng vì họ từng tin tưởng rằng Cao Biền có thể tự thân tiêu diệt Hoàng Sào. Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ khiển trách Cao Biền vì đã trả lại quân tiếp viện, Cao Biền thượng tấu có ý châm biến Đường Hy Tông vì Hoàng đế từng chấp thuận đề xuất trả lại quân tiếp viện của ông. Sau đó, Cao Biền xưng bệnh và từ chối giao chiến với Hoàng Sào, mối quan hệ giữa ông và triều đình từ đó lạnh nhạt đi đáng kể.[10]

Khoảng tết năm 881, khi Hoàng Sào tiến gần đến Trường An, Đường Hy Tông đã quyết định từ bỏ kinh thành và chạy đến Tây Xuyên. Cho đến mùa xuân năm 881, Đường Hy Tông vẫn hy vọng rằng Cao Biền sẽ dẫn quân tái chiếm đông đô và kinh thành, do đó đã ban một chiếu chỉ cho phép Cao Biền bổ nhiệm các tướng lĩnh và quan lại mà ông nhận thấy phù hợp, song Cao Biền vẫn không suất quân.[5]

Trong khi đó, khi hai con trĩ bay vào trong Quảng Lăng phủ, có thầy bói nói rằng đây là một điềm xấu, thành ấp sẽ trống rỗng. Do đó, Cao Biền đã cố gắng tránh điềm xấu bằng cách di hịch tứ phương hợp binh thảo Hoàng Sào. Ông dời khỏi thành với 8 vạn binh lính và đóng quân tại Đông Đường (東塘), ngay phía đông thành, song từ chối tiếp tục tiến quân. Cao Biền cũng lệnh cho các quân lân cận đến hợp binh, song Chu Bảo phát hiện ra rằng Cao Biền không thực tâm muốn tiến công Hoàng Sào, vì thế người này đã từ chối huy động binh sĩ Trấn Hải hợp binh với Cao Biền, cho rằng Cao Biền đang có ý muốn chống mình. Hai bên trao đổi thư tín với ngôn từ gay gắt, và sau đó, tình bằng hữu giữa họ hoàn toàn chấm dứt. Sau đó, Cao Biền dùng sự thù địch của Chu Bảo làm nguyên cớ để giải tán binh sĩ.[5]

Suy sụp và qua đời

Cao Biền trên danh nghĩa là đô thống trấn áp Hoàng Sào, song ông từ chối tiến hành các hành động chống lại Đại Tề của Hoàng Sào. Tại Tây Xuyên, thị trung Vương Đạc đề xuất được giao quyền thống lĩnh các chiến dịch chống Đại Tề, và đến mùa xuân năm 882 thì Đường Hy Tông bổ nhiệm Vương Đạc là Chư đạo hành doanh đô thống, song Cao Biền vẫn được giữ chức Hoài Nam tiết độ sứ và Diêm-thiết chuyển vận sứ. Vào thời điểm này, Cao Biền ngày càng trở nên rất tin tưởng vào phương sĩ Lã Dụng Chi (呂用之), cùng kì đảng là Trương Thủ Nhất (張守一) và Gia Cát Ân (諸葛殷), đến nỗi Lã Dụng Chi nắm quyền kiểm soát quân trên thực tế, bất cứ ai dám lên tiếng chống lại Lã Dụng Chi đều phải chết.[5]

Vào mùa hè năm 882, Đường Hy Tông ban cho ông chức Thị trung song bãi chức Diêm-thiết chuyển vận sứ. Cao Biền thấy vừa mất quyền và vừa mất lợi thì cảm thấy tức giận, sai người thảo biểu tự tố với lời lẽ bất kính, trong đó phàn nàn rằng ông không được trao đủ quyền, rằng Vương Đạc và Thôi An Tiềm (崔安潛) bất tài, so sánh Đường Hy Tông với các vị hoàng đế vong quốc Tần Tử AnhHán Canh Thủy Đế. Đường Hy Tông sai Trịnh Điền thảo chiếu trách cứ Cao Biền, dùng lời lẽ gay gắt, và sau đó, Cao Biền từ chối nộp bất kỳ khoản thuế nào cho triều đình.[11]

Năm 885, Hoàng Sào bị đánh bại và Đường Hy Tông trở về Trường An, Tả Thần Sách trung úy Điền Lệnh Tư sau đó lại xung đột với Hà Trung[chú 25] tiết độ sứ Vương Trọng Vinh. Trước tình hình rối loạn, Tĩnh Nan[chú 26] tiết độ sứ Chu Mai đã lập một thành viên trong tông thất triều Đường là Lý Uân làm nhiếp chính. Chu Mai hy vọng liên minh với Cao Biền nên đã yêu cầu Lý Uân ban một chiếu chỉ bổ nhiệm Cao Biền giữ chức Trung thư lệnh, Giang Hoài diêm thiết chuyển vận đẳng sứ, Chư đạo hành doanh binh mã đô thống. Đáp lại, Cao Biền thượng tấu thỉnh Lý Uyên tức vị.[12]

Trong khi đó, Cao Biền bắt đầu nhận ra rằng Lã Dụng Chi trên thực tế là người cai quản Hoài Nam, và bản thân ông không còn có thể độc lập thi hành quyền lực. Cao Biền cố gắng kiềm chế quyền lực của Lã Dụng Chi, Lã Dụng Chi do đó bắt đầu lên kế hoạch loại bỏ Cao Biền.[2][12] Đương thời, theo ghi chép thì tại Dương châu xuất hiện nhiều điềm gở, song khi Chu Bảo buộc phải chạy trốn khỏi Nhuận châu sau một cuộc binh biến vào năm 887, Cao Biền tin rằng các điềm gở này là ám chỉ đến Chu Bảo, nghĩ rằng bản thân sẽ an toàn.[12]

Đến mùa hè năm 887, phản tướng Tần Tông Quyền chuẩn bị tiến công vào Hoài Nam, Cao Biền chuẩn bị phòng thủ. Đương thời, Tất Sư Đạc tin rằng Lã Dụng Chi tiếp theo sẽ có hành động chống lại mình, vì thế đã tập hợp binh lính cùng với Trịnh Hán Chương (鄭漢章) và Trương Thần Kiếm (張神劍) nổi dậy, bao vây Dương châu. Cao Biền bố trí phòng thủ tại quân phủ, giao cho cháu là Cao Kiệt (高傑) chỉ huy, chống lại Lã Dụng Chi. Cao Biền khiển thuộc hạ là Thạch Ngạc (石鍔) cùng ấu tử của Tất Sư Đạc đến gặp Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc lệnh cho ấu tử của mình về chỗ Cao Biền truyền đạt lại: "Hễ Lệnh công trảm Lã và Trương (tức Trương Thủ Nhất) để thể hiện với Sư Đạc, Sư Đạc sẽ không dám phụ ân, nguyện cho thê tử đến làm tin." Cao Biền lo sợ rằng Lã Dụng Chi có thể ra tay đồ sát gia quyến của Tất Sư Đạc, vì thế đem gia quyến của Tất Sư Đạc đến viện để bảo vệ. Từ thời điểm này, cuộc chiến tại Dương châu diễn ra giữa ba bên: Tất Sư Đạc, Cao Biền và Lã Dụng Chi.[2]

Do không thể nhanh chóng chiếm được Dương châu, Tất Sư Đạc cầu viện Tuyên Thiệp[chú 27] quan sát sứ Tần Ngạn (秦彥), Tần Ngạn khiển Tần Trù (秦稠) đến tiếp viện cho Tất Sư Đạc. Ngày 17 tháng 5, Tất Sư Đạc tiến công dữ dội vào Dương châu, song bị Lã Dụng Chi phản công đánh bại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Cao Kiệt phát động tiến công từ quân phủ của Cao Biền, mục đích là để bắt Lã Dụng Chi và giải đến cho Tất Sư Đạc. Lã Dụng Chi biết tin thì từ bỏ Dương châu và chạy trốn. Cao Biền buộc phải gặp Tất Sư Đạc và cho người này giữ chức tiết độ phó sứ, sau đó chuyển giao toàn bộ quyền lực của Hoài Nam cho Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc kiểm soát được quân phủ, rồi giao nó lại cho Tần Ngạn như hứa hẹn. Tần Ngạn và Tất Sư Đạc quản thúc Cao Biền cùng gia quyến của ông tại một đạo viện.[2]

Trong khi đó, Lã Dụng Chi đã ban một sắc lệnh nhân danh Cao Biền để lệnh cho Lư châu[chú 28] thứ sử Dương Hành Mật đem binh đến tăng viện cho mình. Dương Hành Mật tập hợp binh lính Lư châu và Hòa châu[chú 29] và tiến về Dương châu. Liên quân Dương Hành Mật và Lã Dụng Chi sau đó hợp binh với một vài đội quân khác, bao gồm quân của Trương Thần Kiếm. Mặc dù không thể nhanh chóng chiếm được Dương châu, Dương Hành Mật đã đánh bại các cuộc tiến công của Tần Ngạn và Tất Sư Đạc, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc bắt đầu tin rằng Cao Biền dùng ma thuật để chống lại họ. Một yêu ni là Vương Phụng Tiên (王奉仙) báo với Tần Ngạn rằng một đại nhân cần phải chết để chấm dứt cực tai của Dương châu, do đó Tần Ngạn đã quyết tâm giết chết Cao Biền.[2] Ngày 24 tháng 9,[1] Tần Ngạn phái tướng Lưu Khuông Thì (劉匡時) đi giết chết Cao Biền, cùng các thân thích là nam giới. Thi thể của họ đều bị ném xuống một hố duy nhất.[2]

Sau khi Dương Hành Mật chiếm được Dương châu vào cuối năm đó, ông ta bổ nhiệm tụng tôn của Cao Biền là Cao Dũ (高愈) là Phó sứ, sai đó cải táng Cao Biền và thân tộc.[2] Tuy nhiên, trước khi Cao Biền được cải táng, Cao Dũ đã qua đời, sau đó, thuộc hạ cũ của Cao Biền là Quảng Sư Kiền (鄺師虔) đã thu táng Cao Biền.[3]